Trong thời gian vừa qua, bên cạnh việc duy trì mối quan hệ hợp tác truyền thống với các đối tác quốc tế của Thái Lan, Hàn Quốc, Úc, Pháp, Luxembourg…, Trường Cao đẳng Du lịch Huế tiếp tục triển khai, kết nối và mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác quốc tế về đào tạo. Điều này phù hợp với định hướng phát triển của nhà trường trong việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và uy tín, thương hiệu đào tạo của nhà trường.
Căn cứ thư mời của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam; từ ngày 13 – 17/5/2024, đoàn cán bộ trường Cao đẳng Du lịch Huế đã có chuyến công tác chính thức tại CHCDND Lào.
Tại trụ sở của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào (thủ đô Vientiane), đoàn công tác HUETC đã gặp gỡ và làm việc với Ông Nouphanh Outsa, Giám đốc Sở Giáo dục, Đào tạo kỹ thuật và nghề nghiệp (Bộ Giáo dục và Thể thao Lào); Bà Somphalang Ngonphetsy và Bà Janifer Phouthakou – 02 Chuyên viên cao cấp thuộc Viện phát triển GDNN. Về phía dự án Lux-Dev tại Lào có ông Tony Donovan, Cố vấn cao cấp, ông Lee Sheridan Cán bộ điều phối dự án cùng các thành viên của dự án. Đây cũng là đơn vị chủ trì dự án triển khai hợp tác đào tạo nói trên.
Phát biểu tại buổi làm việc, Ông Nouphanh Outsa – Giám đốc Sở Giáo dục, Đào tạo kỹ thuật và nghề nghiệp, Bộ Giáo dục và Thể thao vui mừng chào đón đoàn công tác của HUETC; đồng thời gửi lời cảm ơn chân thành đến chính phủ Luxembourg nói chung, dự án Lux-Dev tại Lào nói riêng trong những năm vừa qua đã hỗ trợ rất lớn cho công tác phát triển nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực du lịch của Lào. Ngành du lịch đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, khách du lịch đã dần quay trở lại với nhiều tua (tour), tuyến tham quan, trải nghiệm tại Lào. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu phải tăng cường nguồn nhân lực du lịch cả về chất và lượng. Chương trình hợp tác mà dự án Lux-Dev phối hợp cùng HUETC để tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực cho giáo viên trong lĩnh vực du lịch tại Lào chính là yếu tố then chốt để giải quyết vấn đề này.
Theo Ông Tony Donovan, Cố vấn cao cấp Dự án Lux-Dev, mối quan hệ hợp tác mật thiết giữa Lux-Dev và HUETC đã hình thành từ năm 2000 ngay sau khi thành lập nhà trường (tiền thân là trường Trung học nghiệp vụ Du lịch Huế). Chúng tôi đánh giá đây là một cơ sở đào tạo du lịch chất lượng, có uy tín, đã thực hiện thành công nhiều dự án đào tạo về du lịch trong nước và quốc tế. Trung tâm đào tạo thực hành nghề du lịch (Khách sạn Villa Huế) do chính phủ Luxembourg tài trợ cho HUETC đã thể hiện hiệu quả vai trò tổ chức đào tạo thực hành, thực tập cho học sinh, sinh viên; giúp người học thường xuyên có cơ hội tiếp xúc với mô hình kinh doanh du lịch thực tiễn. Đây là những yếu cốt lõi để dự án Lux-Dev lựa chọn HUETC là đơn vị tổ chức đào tạo nâng cao cho đội ngũ giáo viên trong lĩnh vực du lịch tại các tỉnh, thành của Lào.
Ông Phạm Bá Hùng, Quyền Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại buổi làm việc: “Trường Cao đẳng Du lịch Huế là cơ sở đào tạo nghề trong lĩnh vực du lịch với hơn 23 năm kinh nghiệm hoạt động. Hiện nay, nhà trường đang tổ chức đào tạo các trình độ Cao đẳng (14 nghề), Trung cấp (08 nghề), Sơ cấp (07 nghề), các khóa đào tạo thường xuyên theo nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội trong lĩnh vực du lịch, khách sạn. Đội ngũ giảng viên nhà trường được đào tạo bài bản về ngôn ngữ và nghiệp vụ trong và ngoài nước. Chương trình đào tạo (CTĐT) theo năng lực trên cơ sở tham chiếu các CTĐT tiên tiến của châu Âu như Thụy Sĩ, Pháp, Đức; khu vực ASEAN như Úc, Singapore và Malaysia… Cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, đủ năng lực tổ chức đào tạo ở tất cả các lĩnh vực du lịch và khách sạn. Nhà trường có Trung tâm Đào tạo thực hành nghề du lịch (Khách sạn Villa Huế hoạt động theo tiêu chuẩn 4 sao) được tập trung đầu tư, phát triển, trở thành một trong những mô hình “Trường – Khách sạn” thành công nhất tại Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi đã tham gia nhiều hoạt động xã hội thông qua việc tổ chức các khóa đào tạo cho cộng đồng cư dân địa phương tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa ở tỉnh Bắc Kạn, Sơn La, các xã ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế, khu vực vườn quốc gia Chư Mom Ray, tỉnh Kon Tum (Việt Nam)…. Đối tượng đào tạo chúng tôi hướng đến ở các khóa đào tạo này là lao động nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, thanh niên trẻ và phụ nữ… trong khuôn khổ các Dự án về biến đổi khí hậu và du lịch bền vững”.
Kết thúc buổi làm việc, các bên đã trao đổi, thảo luận và thống nhất về các nội dung dự kiến sẽ được triển khai trong hợp phần của dự án.
Chương trình làm việc của đoàn công tác HUETC tại Lào được tiếp tục với các chuyến tham quan, khảo sát nhu cầu và làm việc trực tiếp với các cơ sở đào tạo về du lịch như: trường Cao đẳng Kỹ thuật Pakpasak (thủ đô Vientiane); trường Cao đẳng Kỹ thuật Văng Viên và Trung tâm thực hành The Academy (thành phố Văng Viên); trường Cao đẳng Kỹ thuật và Du lịch và Trung tâm Đào tạo Kỹ thuật về nghiệp vụ khách sạn và du lịch (tỉnh Luang Prabang). Đây là các mô hình tương đồng với khách sạn Villa Huế, nhưng vẫn còn hạn chế về số lượng các dịch vụ phục vụ và cung ứng du lịch nói chung.
Mục đích của việc tham quan, khảo sát nhu cầu tại các cơ sở đào tạo và trung tâm thực hành này nhằm xác định các địa điểm đào tạo phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu tổ chức lớp học đối với các nghề Chế biến món ăn và Nghiệp vụ nhà hàng.
Qua khảo sát tại các cơ sở đào tạo và thông tin từ phiếu khảo sát mà HUETC tổng hợp từ các giáo viên Lào về nhu cầu đào tạo, nhà trường đã tiến hành buổi họp kỹ thuật với dự án Lux-Dev và cơ bản thống nhất các nội dung sẽ triển khai như tổ chức khóa học mùa hè (Summer class) cho đội ngũ giáo viên của các cơ sở đào tạo du lịch tại Lào, dự kiến được thực hiện trong tháng 7 – 8/2024 đối với các năng lực: Chế biến món ăn Việt Nam; Kỹ thuật làm bánh; Pha chế cà phê và Pha chế, phục vụ đồ uống.
Dự kiến giai đoạn 2 của dự án, sẽ tổ chức cho một số giáo viên Lào đến trường Cao đẳng Du lịch Huế để tham quan thực tế và bồi dưỡng nâng cao.
Một số hình ảnh trong chuyến làm việc của Đoàn