Thực hiện chương trình hoạt động của Khối thi đua số 11 – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sáng ngày 19.5.2025 tại Trường Cao đẳng Du lịch Huế, các đơn vị trong khối gồm Trường Cao đẳng Du lịch Huế , Cao đẳng Du lịch Hà Hội, Cao đẳng Du lịch Hải Phòng và Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo đối sánh chương trình đào tạo trình độ cao đẳng của các nghề: Quản trị Khách sạn, Kỹ thuật Chế biến món ăn, Quản trị Nhà hàng và Hướng dẫn Du lịch.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Cục trưởng, Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên; Ông Đào Trọng Độ – Trưởng phòng -Phòng Giáo dục chính quy- Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên; Hiệu trưởng các trường trong Khối thi đua số 11, lãnh đạo các phòng, khoa, trung tâm và các giảng viên thuộc các đơn vị thực hiện đối sánh Chương trình đào tạo.
Phát biểu khai mạc chương trình, ThS. Phạm Bá Hùng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế nhấn mạnh “Trong bối cảnh đổi mới toàn diện giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch – dịch vụ, việc chuẩn hóa và hài hòa chương trình đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là yêu cầu tất yếu. Hội thảo hôm nay được tổ chức nhằm mục đích tạo ra diễn đàn để trao đổi, đối sánh, rà soát và đề xuất hoàn thiện chương trình đào tạo trình độ cao đẳng các nghề trọng điểm trong lĩnh vực du lịch”. Bên cạnh đó, Ông Phạm Bá Hùng cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo Bộ Giáo dục Đào tạo, các trường Cao đẳng Du lịch Hà Hội, Cao đẳng Du lịch Hải Phòng và Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng đã đồng ý phối hợp tổ chức buổi hội thảo giá trị.
Ông Phạm Bá Hùng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế phát biểu khai mạc
Phát biểu định hướng tại Hội thảo, Ông Đào Trọng Độ – Trưởng phòng -Phòng Giáo dục chính quy- Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên nhấn mạnh những thuận lợi cũng như những thách thức cần giải quyết khi thực hiện đối sánh các Chương trình đào tạo của các trường. Ngoài ra, việc đối sánh các chương trình đào tạo cần căn cứ theo chiến lược phát triển của ngành, xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả. Cũng cần căn cứ vào những đặc thù riêng của từng đơn vị để tạo ra sự đồng đều, thống nhất lẫn nhau về khung năng năng lực của mỗi nghề theo tiêu chuẩn tham chiếu của Hội đồng Anh, ASEAN và Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo định hướng tại Hội thảo của Ông Đào Trọng Độ – Trưởng phòng -Phòng Giáo dục chính quy- Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên
Trên cơ sở phát biểu chỉ đạo định hướng của lãnh đạo cấp trên cũng như những mục tiêu đặt ra của Hội thảo, đại diện các nghề có Chương trình đối sánh đã trình bày và phân tích những điểm mạnh, điểm khác biệt giữa các chương trình của các trường. Từ đó, các đơn vị có những đề xuất điều chỉnh với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các môn bắt buộc và khung chương trình chung của mỗi nghề và sự khác biệt cụ thể tùy theo đặc thù vùng miền.
Trong phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung thảo luận, khẳng định vai trò chương trình đào tạo đặc biệt là ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thống nhất những vấn đề chung trong các nghề giữa các trường. Từ đó từng bước xây dựng cơ chế cho người học được tham gia học tập liên thông, tích lũy tín chỉ và học tập suốt đời, linh hoạt chuyển trường trong khối tiến tới mở rộng áp dụng trong toàn hệ thống các trường cao đẳng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Sau gần hai giờ làm vệc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần xây dựng cao, Hội thảo đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra, nhận được những đóng góp sôi nổi và tích cực từ đại biểu tham dự. Hội thảo đã tạo cơ sở lý luận khoa học, thực tiễn cũng như đặt nền móng ban đầu để nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường và định hướng cho những hoạt động về chuyên môn tiếp theo trong từng đơn vị cũng như trong sự phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình xây dựng Chương trình đào tạo.
Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Phạm Bá Hùng một lần nữa khẳng định sự thống nhất giữa các trường với đề xuất khuyến nghị sự quan tâm, xem xét của cơ quan quản lý tạo điều kiện để các đơn vị có thể thực hiện quá trình đào tạo linh hoạt, đặc biệt là các môn chung cũng như hướng đến sự liên thông cấp bậc trong giáo dục nghề nghiệp lên bậc giáo dục đại học.
Một số hình ảnh tại buổi Hội thảo
Nguồn: Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế